Chúa Nhật XXIII Thường Niên
-
ChủTrương
Phụng Vụ
Đăng Ký
Đăng Nhập
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI TU ĐẠO TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI
Suy Niệm: “Hoạt động Tông đồ là niềm vui hạnh phúc và lợi ích vĩ đại, là đồng trách nhiệm của người tín hữu Công Giáo, như chóp đỉnh cao cả nhất của mọi đặc ân, chúng ta được tháp nhập và tham dự vào ba thiên chức của Chúa Kitô là:"Tư tế, Tiên tri và Vương đế" mang trong mình sứ vụ loan báo "TIN MỪNG Cứu Độ CHÚA GIÊSU KITÔ" đến với nhân loại„. (Tu Đạo)

www.tu-dao.de

Niên Lịch Phụng Vụ Tháng 12 Năm A 2019-2020
01. 12. 2019 PHỤNG VỤ NĂM A CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG

!!!Bạn Đăng Ký Làm "THÀNH VIÊN" Sẽ Có Nhiều Quyền Lợi và "Sẽ Không Thấy Quảng Cáo"!!!

Trang 1 trong tổng số 1 trang
Chúa Nhật XXIII Thường NiênXem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down
Chúa Nhật XXIII Thường Niên Icon_minitimeSat Sep 03, 2016 9:10 am
songhoang
DIỄN ĐÀN
TU ĐẠO VIỆT NAM
songhoang
Tước hiệu
Điều Hợp Viên
Điều Hợp Viên
online
Tuyên Dương Huân Chương Tuyên Dương Huân Chương :

Chúa Nhật XXIII Thường Niên 2
Hạng Nhất Sao Sáng

online

Bài gửiTiêu đề: Chúa Nhật XXIII Thường Niên

Chúa Nhật XXIII Thường Niên
Chúa Nhật XXIII Thường Niên

Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Kn 9: 13-18

Đoạn trích sách Khôn Ngoan gợi lên những giới hạn của những hiểu biết phàm nhân. Với trí tuệ phàm nhân, con người vô phương dò thấu những ý định của Thiên Chúa, nhưng nhờ ánh sáng Mặc Khải và tác động thần khí thánh ở nơi con người mà con người mới có thể đạt được một sự hiểu biết sung mãn.

Plm 9b-10, 12-17

Trong thư gởi ông Phi-lê-mon, thánh Phao-lô đưa ra một lời khuyên thật cảm động. Thánh nhân thỉnh cầu ông hãy đón nhận người nô lệ trốn chạy khỏi nhà ông và nay đã trở thành Ki-tô hữu, như một người con ruột thịt của thánh nhân và như người anh em rất thân mến trong Đức Ki-tô.

Lc 14: 25-33

Tin Mừng tường thuật cho chúng ta giáo huấn của Đức Giê-su về những yêu sách mà Ngài đòi hỏi các môn đệ Ngài: muốn theo Ngài phải dành quyền ưu tiên tuyệt đối cho Ngài, thậm chí trên mọi mối dây ràng buộc trần thế, kể cả gia đình đi nữa.

BÀI ĐỌC I (Kn 9: 13-18)

Chúng ta không biết tác giả sách Khôn Ngoan là ai. Tác phẩm này đã được biên soạn vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, bởi một người Do thái mộ đạo thành A-lê-xan-ri-a. Tác giả muốn cảnh giác đồng bào của mình trước những sức quyến rũ của nền văn hóa Hy-lạp. Ông đổ hết tâm trí để nhắc lại những giá trị khôn sánh của sự khôn ngoan Do-thái giáo, gia sản của cha ông họ.

Đoạn văn hôm nay được trích từ phần thứ hai của sách. Bằng hư cấu văn chương, tác giả để cho vua Sa-lô-mon, một vị vua nổi tiếng khôn ngoan bậc nhất, lên tiếng. Chương 9 là lời cầu nguyện dài của vua, tán rộng lời cầu nguyện mà 1V 3: 6-10 đã trích dẫn một cách ngắn gọn, theo đó, vua Sa-lô-mon chỉ cầu xin Chúa ban cho mình được ơn khôn ngoan. Lời cầu nguyện của vua làm đẹp lòng Chúa. Thiên Chúa chẳng những ban cho vua được ơn khôn ngoan mà còn được muôn vàn những ân phúc khác nữa.

Việc nêu lên lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon như vậy đã trở nên một đề tài kinh điển của các tác phẩm minh triết. Tác giả sách Khôn Ngoan đem lại cho lời cầu nguyện này những dấu ấn riêng nhằm đánh động những người đương thời của ông. Dưới những khía cạnh phi thời gian của sự khôn ngoan, sứ điệp trực tiếp nhắm đến một xã hội phàm trần vào thời đại của tác giả. Sứ điệp này vẫn giữ mãi giá trị trường tồn của nó.

1. Thành phố A-lê-xan-ri-a vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên:

Hơn hai thế kỷ qua, thành phố A-lê-xan-ri-a là thủ đô trí tuệ của thế giới thời xưa. Vị vua đầu tiên của triều đại nhà Tô-lê-mê (323-285 trước Công Nguyên) đã cho xây cất một Bảo Tàng Viện danh tiếng, tại đó quy tụ các nhà thông thái và những nhà nghiên cứu các môn học thời danh; họ có sẵn một thư viện bao la cũng như phòng thí nghiệm. Những tiến bộ đáng chú ý trong mọi lãnh vực: toán học, thiên văn học, y học, nhất là giải phẩu học, vật lý, địa lý. Về triết học, thành A-lê-xan-ri-a tiếp nối sự nghiệp của thành A-thê-na. Những hệ thống triết học đặt cạnh nhau và giải thích cho nhau. Về tôn giáo, những khuynh hướng tôn giáo hỗn hợp khẳng định cho nhau. Tóm lại, một thời kỳ huy hoàng nhất đối với trí tuệ con người, con người có thể tự hào về những chinh phục của mình.

2. Sự mỏng dòn của lý trí phàm nhân:

Tác giả sách Khôn Ngoan phản ứng lại do quan điểm tôn giáo của ông về thế giới. Những hiểu biết phàm nhân, dù đáng chú ý đến mấy đi nữa, chẳng bao giờ hiểu được những ý định của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, nào ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? “.

Câu hỏi này Kinh Thánh thường đặt ra để nhắc nhớ sự siêu việt của Thiên Chúa, như Gióp: “Có phải anh đã hiện diện trong triều thần Thiên Chúa, và đã chiếm đoạt được khôn ngoan? “(G 15: Cool hay Giê-rê-mi-a: “Nhưng ai đã được họp bàn với Đức Chúa, để chứng kiến và nghe lời Người? “(Gr 23: 18) hoặc I-sai-a: “Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người? “(Is 40: 13). Tác giả sách Khôn Ngoan hỗ trợ đề tài này bằng một tư tưởng không kém phần chứng thực: “Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững “.

Tiếp đó, một câu nhuốm màu sắc nhị nguyên của Platon: “Quả vậy, thân xác dể hư nát này khiến linh hồn ra nặng “, nhưng ngay tức khắc lại gắn bó với đề tài Kinh Thánh về con người: “cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề “.

Những suy tư tiếp theo sau có thể mang tính bút chiến; chúng xem ra làm giảm thiểu những nổ lực của các bậc thông thái trong việc giải thích những thực tại trần thế. Thêm nữa, những nổ lực này không thể nào dò thấu những thực tại thiên giới: “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng? “.

3. Lý trí phàm nhân được sự khôn ngoan Thiên Chúa soi sáng:

Những hiểu biết phàm nhân chỉ được sung mãn nhờ Mặc Khải và tác động thần khí thánh ở nơi con người: “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Người chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gởi thần khí thánh? “. Vì là một tín đồ Do thái giáo, trung thành với độc thần giáo tuyệt đối khó mà gợi lên trong tâm trí của tác giả một sự biệt phân giữa Đức Chúa và thần khí thánh của Người; nhưng đúng hơn, tác giả đồng hóa Đức Khôn Ngoan của Đức Chúa với thần trí của Người. Tuy nhiên, thật chính đáng để đọc thấy ở đây một sự linh cảm nào đó về sự khác nhau về Đức Chúa và thần khí thánh của Người ở lòng cuộc sống của Thiên Chúa.

Cuối cùng, tác giả ám chỉ đến Lề Luật, được xem như cách diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa, kim chỉ nam cho những đức hạnh phàm nhân, con đường cứu độ: “Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ “.

Đoạn trích hôm nay vừa kết thúc lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon và cũng là để chuyển sang phần thứ ba của sách: suy tư về sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang hoạt động trong Lịch Sử.

BÀI ĐỌC II (Plm 9b-10, 12-17)

Thư gởi ông Phi-lê-mon, tuy ngắn nhất trong các thư của thánh Phao-lô, nhưng rất độc đáo vì những tâm tình tinh tế được diễn tả ở đây và những tấm lòng được biến đổi dưới ảnh hưởng của Ki-tô giáo thật là cảm động mà bức thư này làm chứng,.

1. Lý do thánh nhân viết bức thư này:

Vào lúc đó, thánh Phao-lô đang bị giam cầm ở Rô-ma, chắc hẳn vào những năm 62-63. Thánh nhân đang đối mặt với một vấn đề không đơn giản một chút nào. Ông Phi-lê-mon là một Ki-tô hữu Cô-lô-xê; chắc chắn là một nhân vật khá giả, vì cộng đồng Ki-tô hữu tụ họp ở tại nhà ông. Ông có một người nô lệ tên là “Ô-nê-xi-mô “. Người nô lệ này đã trốn chạy khỏi nhà ông và lấy trộm của chủ một số đồ đạc, như thánh nhân đã viết trong thư: “Nếu anh ấy đã làm thiệt hại anh hay mắc nợ anh điều gì thì xin để tôi nhận cả “. Để tránh khỏi những cuộc truy tìm và những hình phạt mà anh có thể phải chịu, anh Ô-nê-xi-mô đã chạy đến Rô-ma, vì anh hy vọng mình có thể dễ dàng lẫn trốn vào đám đông trong các đường phố tại thành phố rộng lớn này.

Người nô lệ này biết rất rõ những người Ki-tô hữu vì đã thấy họ thường xuyên tụ họp tại nhà của chủ mình. Phải chăng đó là lý do thúc đẩy anh chạy đến Rô-ma để gặp thánh Phao-lô? Bức thư không nói cho chúng ta biết lý do. Dù sao thánh Phao-lô đã rửa tội cho anh và quý mến anh. Trong thời gian ở với thánh Phao-lô, anh Ô-nê-xi-mô đã trở nên một người hữu ích đến nỗi thánh nhân muốn giữ anh lại bên cạnh mình. Tuy nhiên, thánh nhân không thể, vì sợ vi phạm quyền lợi của ông Phi-lê-mon, chủ của anh. Vì thế, thánh nhân quyết định gởi anh Ô-nê-xi-mô trở về chủ của anh, ông Phi-lê-mon, kèm theo bức thư do tự tay thánh nhân viết. Không ai biết rõ hơn thánh nhân rằng người nô lệ đào thoát này trở về nhà chủ có thể gặp phải những nguy hiểm như thế nào. Như chúng ta biết thân phận của người nô lệ vào thời đó, người nô lệ không được đối xử như một con người nhưng như một dụng cụ sống trong bàn tay của chủ, tùy ý chủ sử dụng. Trong trường hợp một nô lệ trốn chủ, anh sẽ bị đóng dấu bằng thỏi sắt nung đỏ mang hình chữ viết tắt Đào Tẩu và chịu hình phạt tùy theo ý chủ.

Với sự tế nhị, thánh nhân thỉnh cầu ông Phi-lê-mon hai cử chỉ khác thường: khoan hồng cho phạm nhân và nhận lại người này không phải trong tư thế của người nô lệ nhưng như người con ruột thịt của thánh nhân và như một người anh em thân mến trong Đức Ki-tô.

Một sự gợi ý thật tinh tế, một lời mời gọi thật kín đáo, một lời thỉnh cầu mà không đòi buộc. Đoạn trích này thuộc phần trung tâm của bức thư.

2. “Tôi, một người đã già và đang bị tù vì Đức Ki-tô “:

Thánh Phao-lô thử đặt tất cả danh dự của con người ngài vào lời thỉnh cầu của mình cho người nô lệ này: thánh nhân nhắc lại rằng ngài đã già (vào thời đó, 50-55 tuổi được xem là già) và đang bị cầm tù, và chính trong cảnh giam cầm này mà thánh nhân rửa tội cho anh: “Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích “.

3. “Tôi xin gởi nó về cho anh “:

Thánh Phao-lô muốn mọi việc đều rõ ràng. Anh Ô-nê-xi-mô thuộc quyền sở hữu của ông Phi-lê-mon. Thật ra thánh nhân biết rằng nếu ngài ngỏ lời với ông Phi-lê-mon, chắc chắn bạn của mình sẵn lòng để anh Ô-nê-xi-mô ở lại với thánh nhân để phục vụ thánh nhân trong cảnh xiềng xích. Như vậy, khi gởi anh Ô-ne-xi-mô trở về chủ của mình, thánh nhân xem trọng tính cách nhưng không của tình bạn.

4. Như một người con ruột thịt của thánh nhân:

Nhưng thánh nhân nhấn mạnh tình phụ tử tinh thần của ngài; vì đã có một thay đổi sâu xa: anh Ô-nê-xi-mô đã trở thành Ki-tô hữu. Thánh nhân thương mến anh như đứa con ruột thịt mà thánh nhân đã mang nặng đẻ đau trong cảnh xiềng xích. Phải chăng thánh nhân muốn ông Phi-lê-mon cũng sẽ chia sẻ với thánh nhân những tâm tình như thế?

Thánh nhân khuyên ông Phi-lê-mon nên tha thứ cho anh Ô-nê-xi-mô, dù không nói trắng ra nhưng chỉ gợi ý: “Tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không tự nguyện “.

5. Như một người anh em rất thân mến:

Thánh nhân nhắc cho ông Phi-lê-mon biết rằng việc anh Ô-nê-xi-mô trốn chủ phải được xem như một thiên ân: vì ông Phi-lê-mon “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến “. Với chỉ vài lời này thôi cũng đủ để diễn tả cuộc cách mạng mà Ki-tô giáo đem đến cho những mối quan hệ giữa người với người.

Quả thật, sau này thánh nhân đã viết: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, , nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô “(Gl 3: 28; Cl 3: 14). Biểu thức này không muốn nói rằng từ nay không còn phân biệt chủng tộc, phái tính, chủ tớ, nhưng những phân biệt này chẳng còn có ý nghĩa gì trước mặt Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng dạ con người. Từ nay, sự biến đổi nội tâm mới là đáng kể; nó làm đảo lộn thậm chí những thân phận bên ngoài, đến độ ở nơi khác, thánh nhân mạnh dạn phát biểu: “Người đang làm nô lệ mà được Chúa kêu gọi, thì là người được Chúa giải phóng. Cũng vậy, người đang tự do mà được kêu gọi, thì là nô lệ của Đức Ki-tô “(1Cr 7: 22).

6. Mối liên hệ được tăng gấp bội:

Ông Phi-lê-mon được lại anh Ô-nê-xi-mô như một người anh em “cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa “, nghĩa là cả trong sự phục vụ của anh cũng như trong những mối liên hệ của anh giữa người Ki-tô hữu với người Ki-tô hữu. Chắc hẳn thánh nhân muốn nói rằng việc ông Phi-lê-mon tha thứ sẽ thiết lập nên một mối liên hệ đặc biệt giữa chủ và nô lệ.

Thánh Phao-lô đưa ra lời khuyên tinh tế sau cùng: “Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi “. Ông Phi-lê-mon và thánh Phao-lô là anh em trong đức tin. Tình huynh đệ này phải trải rộng đến người nô lệ, người anh em khác này. Đó là sự “hiệp thông “của các chi thể Đức Ki-tô.

TIN MỪNG (Lc 14: 25-33)

Các sách Tin Mừng, đặc biệt sách Tin Mừng Lu-ca, tường thuật muôn vàn những lời khuyên của Đức Giê-su về việc từ bỏ: từ bỏ chính mình, từ bỏ của cải, đoạn tuyệt với sự giàu sang phú quý, vân vân. Nhưng chưa bao giờ Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ Ngài xa đến mức phải hy sinh thậm chí ngay cả những tình cảm cao quý và chính đáng nhất.

Quả thật, Đức Giê-su không nghĩ phải hủy bỏ huấn lệnh yêu người mà Ngài đã công bố ngang bằng với huấn lệnh mến Chúa; nhưng Ngài ấn định theo cấp bậc hai bổn phận: “mến Chúa “và “yêu người “. Lời của Ngài đã vang lên bên tai các môn đệ Ngài, những người đã bỏ hết mọi sự mà theo Ngài. Những môn đệ đầu tiên, Phê-rô và An-rê, Gia-cô-bê và Gioan, đã là mẫu gương, thậm chí Gia-cô-bê và Gioan đã để lại cha già mình là ông Dê-bê-đê mà họ có bổn phận chu toàn đạo hiếu, phụng dưỡng hằng ngày.

Những đòi hỏi của Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay, dù cứng rắn đến mấy đi nữa, tương ứng với thực tại và vang vọng xuyên suốt lịch sử Giáo Hội. Vốn bận lòng về Giáo Hội, thánh Lu-ca nghĩ trước tiên đến Giáo Hội truyền giáo, nhưng cũng đến Giáo Hội của đời sống tu trì mà lý tưởng tu viện sẽ nối tiếp.

1. Mến Chúa trên hết mọi sự:

Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi yêu mến Người đến tuyệt mức như vậy. Khi đòi hỏi phải yêu mến Ngài đến tuyệt mức tương tự, Đức Giê-su nhận về mình những đặc quyền của Thiên Chúa; Ngài ngầm khẳng định sự duy nhất của Ngài với Chúa Cha. Ngài đòi hỏi một tình yêu tuyệt đối phải vượt lên trên mọi tình yêu khác.

Thánh Mát-thêu cũng nêu lên tính tận căn của những đòi hỏi của Đức Giê-su: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy “(Mt 10: 37), nhưng thánh Lu-ca đưa ra một danh sách đầy đủ hơn về những người mà tình cảm dành cho họ phải được đặt vào hàng thứ hai: cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thậm chí cả mạng sống mình.

2. Để là môn đệ Ngài:

“Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Ngài quay lại bảo họ “. Cử chỉ này của Đức Giê-su được thánh Lu-ca ghi nhận nhiều lần. Đức Giê-su luôn luôn dẫn đầu; Ngài là thầy, người dẫn đường; các môn đệ là những người bước theo Ngài. Khi Đức Giê-su quay lại, Ngài ngỏ lời với đám đông hiện diện, nhưng bên kia đám đông này, với đám đông môn đệ tương lai. Tuy nhiên, cử chỉ của Đức Giê-su cũng nhấn mạnh sứ điệp quan trọng mà Ngài sắp công bố qua ánh mắt nghiêm trang của Ngài.

“Ai đến với tôi... “. Đây là biểu thức Cựu Ước được gặp thấy ở nơi lời công bố Lề Luật. Trong Bộ Luật Giao Ước của sách Xuất Hành, biểu thức này được phát biểu: “Ngươi sẽ... “hay “Nếu ngươi... “(Xh 20: 22tt; 21: 2-17). Như vậy, đây là quy luật sống mà Đức Giê-su long trọng công bố, như xưa kia ông Mô-sê đã ngỏ lời như vậy với toàn thể dân Ít-ra-en.

Những yêu sách được trình bày dưới dạng phủ định: “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được “. Ở nơi khác, biểu thức này được diễn tả dưới dạng thức khẳng định: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo “(Lc 9: 23). Các tác giả Tin Mừng đều sử dụng diễn ngữ “vác thập giá “, thậm chí trước khi Đức Giê-su nói rõ rằng Ngài sẽ bị đóng đinh vào thập giá khi Ngài loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ Nạn của Ngài (x. Mt 20: 19). Nhưng các sách Tin Mừng được biên soạn dưới ánh sáng của các biến cố và diễn ngữ này gợi lên ở nơi các tín hữu tiên khởi còn khủng khiếp hơn. Các môn đệ phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, chấp nhận bước đi trên con đường đau khổ, thậm chí cho đến mức phải hy sinh cả tính mạng của mình.

3. Phải suy nghĩ cho thật nghiêm túc:

Tiếp đó là hai dụ ngôn về việc xây tháp và việc một vị vua muốn xuất quân đi giao chiến, cả hai dụ ngôn này đều có chung một tư tưởng trong mối liên kết với những đòi hỏi của Đức Giê-su. Để là môn đệ Đức Giê-su, phải dấn thân trọn vẹn, phải yêu mến Ngài tuyệt mức. Như vậy, trước khi quyết định theo Ngài, trở thành môn đệ của Ngài, phải ngồi lại mà tính toán cho thật nghiêm túc, định liệu sức mình có thể theo đuổi cho đến cùng không, nếu quyết định trong giây phút bốc đồng có nguy cơ giữa đường đứt gánh.

Tuy nhiên, vài nhà chú giải tự hỏi phải chăng Đức Giê-su đã công bố hai dụ ngôn này ở đây chứ không vào những hoàn cảnh khác. Bởi vì, việc dấn bước theo Đức Giê-su, gắn bó với Ngài, phải phát xuất từ sự bùng phát của một con tim bốc lửa chứ không từ những tính toán đắn đo hơn thiệt của lý trí. Ấy vậy, hai dụ ngôn này hoàn toàn thiếu vắng niềm hưng phấn của tình yêu bốc lửa này. Vì thế, câu kết luận mà từ đó Đức Giê-su rút ra: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được “, khó định vị vào cái lô-gích của hai dụ ngôn này, nhưng lại rất phù hợp với những yêu sách tuyệt mức của Ngài đối với ai muốn làm môn đệ của Ngài như được kể ra trước đó.


TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ ĐI THEO CHÚA GIÊSU

Lc 14,25-33

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

Trên con đường tiến lên Giêrusalem có rất nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu, nhưng có người thì đi theo Chúa vì danh lợi, có kẻ thì đi theo Chúa vì được chứng kiến những phép lạ, lại có những người theo Chúa cách thực tâm để được cứu độ.

Trước đoàn người đông đảo như thế, Chúa đã đưa ra những điều kiện, để họ trắc nghiệm lại ý hướng và động cơ theo Chúa của mình. Đó là phải biết từ bỏ, phải vác thập giá hàng ngày và phải cố gắng lo sao cho mình được cứu độ.

1. Phải biết từ bỏ:

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được “.

Đưa ra điều kiện như vậy, Chúa Giêsu không có ý dạy ta bất hiếu, nhưng là Chúa muốn ta biết rõ các bậc thang giá trị: giữa cái phù vân tạm bợ và cái vĩnh cửu muôn đời, giữa tình cảm của người đời chóng qua với tình yêu Thiên Chúa vĩnh cửu, giữa những điều xem ra tốt lành, nhưng có thể gây hại cho mối quan hệ thiêng liêng của ta với Chúa.

Cha mẹ, vợ chồng, con cái, cũng như những nhu cầu và ước muốn của chúng ta phải đứng đàng sau ý muốn của Chúa Giêsu. Chúa là trên hết. Chúa là số một. Nếu có sự gì lấn át vị trí của Chúa trong cuộc đời chúng ta, kể cả cha mẹ và tình máu mủ, chúng ta phải từ bỏ.

Từ bỏ chính là điều kiện của mọi đời sống người Kitô hữu: Giám mục, linh mục, phó tế và giáo dân, tất cả đều phải từ bỏ, để đi theo Chúa trong bậc sống của mình.

Chính Chúa Giêsu cũng đã từ bỏ. Ngài từ bỏ một cách triệt để, từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống mình: “Chim trời có tổ, chồn cáo có hang, nhưng Con Người không có nơi tựa đầu “(Lc 9,58).

Vâng, Chúa Giêsu đã từ bỏ mọi sự để cứu độ chúng ta, “Ngài vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của Ngài mà làm cho chúng ta trở nên giàu có “(2Cr 8,9), lẽ nào chúng ta muốn theo Chúa, muốn được cứu độ, lại không phải từ bỏ !

2. Phải vác thập giá hàng ngày:

“Ai không vác thập giá mình hàng ngày mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được “. Đó là điều kiện thứ hai để đi theo Chúa làm môn đệ.

Trước khi đòi hỏi người khác vác thập giá, thì chính Chúa đã vác thập giá tiến lên đồi Golgotha.

Trên con đường thập giá, ngoài Đức Mẹ ra, thì người vác thập giá đầu tiên bước theo Chúa, đó là Simon, thành Kyrênê. Ông là hình ảnh của người môn đệ chân chính ở mọi thời đại.

Người môn đệ đích thực của Chúa là phải vác thập giá hàng ngày - vác thập giá cả đời - mà đi theo Chúa, chứ không phải chỉ vác thập giá một lúc, một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng... mà thôi.

Thập giá mà người môn đệ chân chính phải vác để đi theo Chúa, là thập giá của mình, chứ không phải thập giá của người khác. Có những người không chịu vác thập giá của mình, nhưng lại thích vác thập giá của người khác.

Làm người ai cũng có thập giá. Thập giá là những đau khổ phần hồn phần xác mà ta phải chịu trong cuộc sống. Bậc sống nào có thập giá của bậc sống đó. Người sống đời tu trì có thập giá của đời tu. Người lập gia đình có thập giá của đời hôn nhân và gia đình. Người già có thập giá của người già, trẻ con có thập giá của trẻ con...

Có những thập giá được Thiên Chúa gửi đến, để tôi luyện và giáo dục ta càng ngày càng tiến tới và trưởng thành hơn về mặt nhân đức: “Chúa yêu ai, thì Chúa sửa dạy người đó “(Dt 12,6).

Có những thập giá do chính con người tạo ra cho mình và cho nhau. Đó là những tội lỗi, ích kỷ, giận hờn, ghét ghét và muôn vàn những thói hư tật xấu. Ta cũng phải vác thập giá đó để đền tội mình và thánh hoá người khác.

3. Phải cố gắng lo sao cho mình được cứu độ:

Làm người phải lo sao cho mình được cứu độ, được sống đời đời, chứ không phải bị hư mất, bị chết đời đời. Do đó, ta phải khôn ngoan tính toán như người chủ nhà xây tháp, như vị vua sắp đi giao chiến trong Tin mừng hôm nay. Không khôn ngoan tính toán, xây tháp mà dở dang, đánh trận mà bị thua, thì thiên hạ sẽ đàm tiếu, chê cười.

Muốn xây tháp, xây nhà phải có tiền tài vật chất. Muốn thắng trận, phải có binh hùng tướng mạnh. Muốn theo Chúa, Chúa không cần gì hết, Chúa chỉ cần ta từ bỏ và vui lòng vác thập giá mình hàng ngày.

Con đường theo Chúa là con đường từ bỏ và vác thập giá, chứ không phải là con đường dễ dãi và ưu đãi. Nhưng đó lại là con đường dẫn đến ơn cứu độ, dẫn đến sự sống đời đời và lời lãi gấp trăm ở đời này cũng như ở đời sau.

Thực tế đời sống dạy ta, dù ta không muốn từ bỏ, ta muốn giữ lại tất cả... trên con đường theo Chúa. Nhưng một lúc nào đó những người thân yêu nhất của ta cũng sẽ bỏ ta mà đi; những của cải, tiền bạc, ta dành cả đời để gắn bó và tích cóp, có ngày ta cũng phải sang tay, để lại cho người khác hưởng dùng và ngay cả mạng sống của ta, ta cũng không giữ lại được. Vì thế, từ bỏ mọi sự và vác thập giá mình hàng ngày mà theo Chúa để được sống dời đời là cách thế chọn lựa khôn ngoan và đúng đắn nhất của con người nói chung và người môn đệ Chúa nói riêng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết từ bỏ và vui lòng vác thập giá mình hàng ngày mà đi theo Chúa, để chúng con được cứu độ và được sống muôn đời. Amen.

Để Làm Môn Đệ Chúa

Suy niệm Chúa nhật XXIII năm – C

(Lc 14, 25 - 33)

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bài đọc I Chúa nhật XXIII thường niên C dạy chúng ta rằng: “Những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan “(Kn 9,18). Vì theo Thánh Kinh, sự Khôn ngoan của Thiên Chúa đồng nghĩa với Lời Chúa. Từ đó, nghe lời sự Khôn ngoan là căn tính đầu tiên của người môn đệ Đức Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể.

Đức Giêsu Kitô là Lời Thiên Chúa, là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Co 1, 24, 30 ) cất tiếng mời gọi con người, cách riêng là người môn đệ, chẳng những lắng nghe, đi theo, mà còn phải hy sinh, từ bỏ nữa : “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta “(Lc 14, 26-27). Nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu ở trên, mỗi người chúng ta nói gì và trả lời ra làm sao? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Đức Giêsu, đòi hỏi thật gắt gao. Ai muốn theo Chúa, phải từ bỏ tận căn, không những của cải, người thân thiết nhất, mà cả những tiện nghi, kế hoạch riêng, sự quyến luyến, những giao tiếp hợp pháp và thậm trí cả chính mạng sống mình nữa nữa. Người yêu cầu phải “bỏ “cha mẹ, vợ con, anh em, chị em.

Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Đức Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự từ bỏ đối với họ? Không phải thế, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải phân định và lựa chọn giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Đức Giêsu yêu cầu con người dành cho Người một vị trí đặc biệt và cao nhất.

Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải ... mà là cái tôi. Cái tôi cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Đức Giêsu, nên Người thêm: “Ai không vác thập giá mình mà theo, thì không thể làm môn đệ Ta “(Lc 14, 27). Đức Giêsu có thích khổ đau và thập giá không? Không, Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa. Ý Chúa muốn là từ bỏ cái tôi, từ bỏ những ước muốn xấu, những lời chua cay, nóng nảy, giận hờn, từ bỏ tính kiêu căng, thói tham lam, để chúng ta thoát khỏi những đam mê vật chất, hầu sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Cơ bản, vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu là liều thuốc chữa chúng ta khỏi căn bệnh ghê sợ là “sự trì trệ“, ù lì, tê liệt và khép kín lòng mình.

Không phải ngẫu nhiên Đức Giêsu nói đến “Thập Giá “. Vác thập giá bước theo Đức Kitô không phải là vác đi với những bước nhẹ nhàng. Vác lấy thập giá mà theo có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào vì tình yêu đối với Chúa. Nhưng chúng ta không vác thập giá một mình, vì có Chúa cùng đi, Người đi trước để chúng ta tiếp bước theo sau, Người đi mau để chúng ta được lúi kéo dắt dùi, Người nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.

Quyết định theo Đức Giêsu, là gạt bỏ tất cả, hướng về Chúa là sự giầu có đích thực của chúng ta, không gì hơn Chúa, không đặt cái gì trước Chúa, toàn bộ phải qui hướng về Chúa, Chúa cũng khẩn khoản mời gọi chúng ta dùng mọi cách để đi đến tận cùng là trở nên những môn đệ. Theo Đức Kitô, chúng ta không mất gì hết, chúng ta được tất cả. Như Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong bài giảng khai mào sứ vụ Giám mục Rôma: “Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô này mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà những khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do “. Với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín lớn lao, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Đức Giáo hoàng nói với chúng con rằng: “Anh em đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự. Ai hiến thân cho Chúa, thì được nhận gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật. “(Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 24/4/ 2005).

Lạy Chúa, trong niềm tin, chúng con muốn từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, nhưng trên đường đi, chúng con sợ bị mất một phần của đời sống, sợ mất tự do, sợ đau khổ, sợ không có khả năng, không thực sự muốn bước đi theo Chúa và trở thành môn đệ Chúa. Lạy Chúa, chúng con dâng cho Chúa ước muốn theo Chúa của chúng con và chúng con mở cửa lòng mình cho Chúa. Lạy Chúa, xin đến giúp chúng con để chúng con thấy rằng trên đường đi, có chúa là sức mạnh để chúng con tiến bước theo, hiệp nhất với Chúa cho đến trọn đời. Amen.
* Hãy trân trọng BÀI VIẾT và khích lệ NHẤN NÚT thay lời CẢM ƠN!

Nhấn In

Chúa Nhật XXIII Thường Niên

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang
XEM TIẾP CÁC BÀI VIẾT KHÁC:
BÀI VIẾT MỚI CÙNG CHUYÊN MỤC:
    BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
      .::§QUY ĐỊNH DIỄN ĐÀN§::.

      Kính chào Quý vị thân mến trong Chúa Kitô!
      CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI TU ĐẠO TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI, là một Diễn đàn hoàn toàn Độc lập vô vụ lợi đặc biệt chú trọng nhiều về mặt Tâm linh.
      Diễn Đàn rất hoan nghinh mọi ý kiến tham gia của Độc giả. Tuy nhiên, đề nghị Quý vị vui lòng soạn thảo Văn bản bằng tiếng Việt.
      >>Xem cách gõ tiếng Việt
      #Phần Bình luận tạo điều kiện cho việc Thảo luận, nêu và Giải đáp Thắc mắc, qua mọi chia sẻ đóng góp ý kiến từ Quý vị.

      §§§ Sau đây là những Quy Định đặc biệt cần Lưu ý: §§§

        *Quan tâm và tôn trọng những lời bình luận, đặc biệt là Cộng đoàn Dân Chúa nói chung.
        *Không dùng những ngôn từ thiếu lịch sự, có tính nhục mạ, bất kính, miệt thị. Vô tình tự đánh mất đạo đức phẩm giá bản thân và được coi là làm gương xấu cho người đời.
        *Không nhiễu sách, vu khống, nói sai sự thật, hoặc mạo nhận một ai. Làm mất danh dự, tư chất con người. Kể như phạm Điều Răn thứ Tám trong 10 Điều Răn Đức Chúa Trời.
        *Tất cả các ngôn ngữ lập trình (html), đường dẫn (link) và Quảng cáo xin miễn đăng.

        *Bài viết ký tên Tác giả không nhất thiết phản ảnh lập trường của Diễn đàn.
        *Nội dung những Lời bình sẽ được xem 24/24. Ban Biên Tập tôn trọng ý kiến của người viết, nhưng dành quyền sửa đổi lời văn, lược trích và tái bản, để phù hợp với thời đại mới.
        *Diễn Đàn có quyền từ chối miễn đăng hoặc xóa bỏ bất cứ Bài viết và Lời bình nào không phù hợp với các Quy Định nói trên.


      Chúa Giêsu sẽ vui và hài lòng khi thấy Bạn thao tác quyền hạn của Bạn trong việc Đăng Bài Mới hoặc Gửi Lời Bình, mong Bạn làm Thành viên, để cùng phát triển Diễn Đàn, đón nhận Tin Mừng Cứu Độ Chúa Giêsu Kitô cho chính mình và mang đến cho mọi người trên Thế giới.

      Kính mong Quý vị cảm thông và quan tâm. Chân thành cảm ơn. Cầu chúc Quý vị nhiều vui vẻ, hạnh phúc và an bình trong Chúa Kitô.

      TM/DIỄN ĐÀN

      Chú ý:
      * Bài viết sưu tầm nên ghi rõ nguồn hoặc viết (Sưu tầm).
      * Hãy nhấn nút để khích lệ người viết, khi thấy bài hay đáng trân trọng.

      Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
      TU ĐẠO :: www.tu-dao.de :: TƯ LIỆU :: Căn Bản Sống Đạo-

      Suy Niệm
      Lời Chúa

      Lời Ngài chính là đường dẫn ta về quê trời, là sự thật duy nhất giải thoát ta khỏi tội lỗi và sự chết, là sự sống đem lại hạnh phúc thật hôm nay và mai sau. Suy Niệm Lời Chúa là tiếp xúc, là nghĩ, là sống và hành động theo lời Ngài; và qua đó sẽ cảm nghiệm Ngài thực là đường, là sự thật và là sự sống vĩnh cửu cho ta.
      “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người”.
      (Lc 21, 36).

      FX.P
      Google
      TìmTrên web
      Trong DIỄN ĐÀN TU ĐẠO
      Liên lạc -Trang chủ -[Đăng Nhập]-Nhấn vào để:-[ Thoát ]
      Múi giờ GMT + 7. Hôm nay: Sun May 19, 2024 5:40 am.
      Style by Phanxico Xavie TonyP.
      Vbb-ripped by Thien An Kenny Pham
      Powered by phpbb2 ® Version 2.0
      Copyright ©2012 - 2013, Forumotion Ltd.
      Tương thích với trình duyệt Firefox 3.6.8 và độ phân giải 1024x768
      Thông Tin Mạng Lưới Toàn Cầu
      DIỄN ĐÀN TU ĐẠO VIỆT NAM HẢI NGOẠI
      Copyright © 2012 Bản quyền thuộc về Tu Đạo Unna Germany
      Liên hệ: tudaode@yahoo.com, thienan_videostudio@yahoo.com
      Mở Chat Box
      Đầu trang
      Giữa trang
      Cuối trang
      Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất